Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đã quy định cụ thể các mức phạt lỗi quay đầu xe khác nhau đối với ô tô và xe máy khi tham gia giao thông. Theo đó, người điều khiển phương tiện quay đầu xe trái phép sẽ phải nhận mức phạt lên đến 12 triệu đồng và bị tước Giấy phép lái xe (GPLX).
Các mức phạt lỗi quay đầu ô tô
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức xử phạt các lỗi quay đầu ô tô như sau:

biể quay đầu

Mức phạt từ 400.000 – 600.000 đồng với các lỗi sau:

Lỗi quay đầu xe trái quy định trong khu dân cư

Lỗi quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, ngầm, gầm cầu vượt, trừ trường hợp tổ chức giao thông tại những khu vực này có bố trí nơi quay đầu xe.

Mức phạt từ 800.000 – 1.000.000 đồng với các lỗi sau:

Lỗi quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, quay đầu xe tại nơi đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.

Lỗi quay đầu ở nơi có biển báo “Cấm quay đầu xe”.

Mức phạt từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng với các lỗi sau:

Lỗi dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông.

Lỗi lùi xe, quay đầu xe trong hầm đường bộ; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định.

Mức phạt từ 6.000.000 – 8.000.000 đồng với các lỗi sau:

Lỗi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định.

Lỗi quay đầu xe trên đường cao tốc.

Mức phạt từ 10.000.000 – 12.000.000 đồng với các lỗi sau:

Không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông.

Không đi đúng phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định gây tai nạn giao thông hoặc đi vào đường có biển báo hiệu có nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển, đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” gây tai nạn giao thông.

cấm quay đầu

Các câu hỏi thường gặp về quy định quay đầu xe
Vạch liền có được quay đầu xe không?
Khi trên đường có vạch liền, người tham gia giao thông không được phép quay đầu xe, lấn làn, đè lên vạch hay sử dụng làn khác quy định. Theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, vạch kẻ đường nét liền được sử dụng để phân chia các làn xe chạy. Cụ thể:

Vạch đơn nét liền màu trắng: Được sử dụng để phân chia các làn phương tiện cùng chiều, không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác. 
Vạch đơn nét liền màu vàng: Được sử dụng để phân chia 2 chiều phương xe di chuyển ngược chiều, thường được vẽ ở đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ xảy ra tai nạn cao ở các tuyến đường có 2 - 3 làn xe cơ giới mà không có dải phân cách ở giữa.
Vạch đôi nét liền màu vàng: Được sử dụng để phân chia 2 chiều phương xe di chuyển ngược chiều, thường được vẽ ở đoạn đường có 4 làn xe cơ giới trở lên, không có dải phân cách ở giữa, trên đoạn đường không đảm bảo tầm nhìn vượt xe, nguy cơ xảy ra tai nạn cao. Trường hợp tại tuyến đường có 2 - 3 làn xe cơ giới mà không có dải phân cách, vạch đôi nét liền vàng cũng có thể sử dụng ở các vị trí cần thiết để nhấn mạnh mức độ nguy hiểm.
Vậy lỗi quay đầu xe ô tô phạt bao nhiêu? Nếu cố tình vi phạm đè vạch, quay đầu xe, người điều khiển có thể bị phạt:

Đối với ô tô: 300.000 - 400.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng nếu gây tai nạn (Theo điểm a khoản 1 và điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Đối với xe máy: 100.000 - 200.000 đồng và tước Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng nếu gây tai nạn (Theo điểm a khoản 1 và điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Cấm rẽ trái có được quay đầu xe không?
Tại khu vực có biển báo cấm rẽ trái, phải, người điều khiển xe được phép quay đầu. Vì theo QCVN 41:2019 mới do Bộ GTVT ban hành, biển báo cấm rẽ 123a và 123b chỉ cấm phương tiện rẽ trái, rẽ phải nhưng không cấm quay đầu.

Để báo cấm rẽ trái hoặc cấm rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau, cần có biển báo số 123a "Cấm rẽ trái" hoặc biển báo số 123b "Cấm rẽ phải". Các biển báo này chỉ có hiệu lực cấm các loại xe rẽ trái hoặc phải (trừ trường hợp phương tiện ưu tiên).

Đối với quy định cấm quay đầu xe, quy chuẩn cũng có quy định thành biển báo cụ thể: Biển báo cấm rẽ trái và quay đầu xe, biển cấm rẽ phải và quay đầu xe, biển cấm ôtô rẽ trái và quay đầu xe, biển cấm ôtô rẽ phải và quay đầu xe.

Đèn đỏ có được quay đầu xe không?
Thông thường khi gặp đèn đỏ, người điều khiển phương tiện không được quay đầu xe. Nếu muốn quay đầu, phương tiện sẽ phải đi qua vạch dừng xe hoặc đi qua đèn tín hiệu để quay đầu lại.

Theo Quy chuẩn báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 54/2019/TT-BGTVT quy định về đèn tín hiệu giao thông:

Tín hiệu đèn xanh: cho phép đi.
Tín hiệu đèn vàng: báo hiệu sắp đổi tín hiệu từ xanh sang đỏ. Khi đèn vàng, xe phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu đã đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng có thể được đi tiếp trong trường hợp dừng lại thấy nguy hiểm.
Tín hiệu đèn đỏ: xe  phải dừng lại trước vạch dừng. Nếu không có vạch dừng thì phải dừng xe trước đèn tín hiệu theo chiều đi.
Vì vậy, khi gặp đèn đỏ thì xe sẽ phải dừng trước vạch dừng xe và không được quay đầu. Nếu cố tình quay đầu xe sẽ bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ, mức phạt đối với ô tô là 4.000.000 - 6.000.000 triệu đồng, xe máy là 800.000 - 1.000.000 đồng (theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Như vậy ô tô, xe máy và các phương tiện tương tự ô tô, xe máy vi phạm lỗi quay đầu xe tại nơi có biển cấm không chỉ bị xử phạt mà còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Do đó, chủ phương tiện cần thực hiện đúng quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đồng thời tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi lái xe nhằm bảo vệ bản thân và những người xung quanh.